Cẩm nang - Tư vấn

Nghề thử nếm Rượu vang

02:52 14/04/2018

“Ở Việt Nam, nghề thử, nếm rượu vang thường bị xem là phù phiếm và nhàn nhã. Sự thật không phải như vậy”, anh Tô Việt, chuyên gia quốc tế về rượu vang, cho biết.
Nghề thử nếm Rượu vang

Cách đây hơn 20 năm, trong khi những kiến thức thu được từ cơ hội du học tại Đại học Nice (Pháp) chưa được vận dụng vào lĩnh vực ngoại giao đang theo đuổi, anh Tô Việt lại trở thành “kẻ ngoại đạo” khi sớm bén duyên với một lĩnh vực hoàn toàn mới: Thử, nếm rượu vang. Nhưng chính anh cũng chẳng ngờ, càng tìm hiểu, nghiên cứu anh càng say mê cái vị chua chua, chát chát ấy.

Rồi mười mấy năm làm việc tại Pháp, anh đã nếm đủ cả niềm vui, nỗi buồn và sự khắc nghiệt của nghề. Song khi mang đam mê ấy về Việt Nam anh bỗng thấy hụt hẫng. “Ở Pháp chuyên gia thử, nếm rượu vang được coi trọng bao nhiêu thì ở Việt Nam mọi người hững hờ bấy nhiêu”. Và trong một cuộc trò chuyện gần đây với NCĐT, anh đã chia sẻ những suy nghĩ của mình và mong muốn thành lập những lớp dạy thử, nếm rượu vang chính quy tại Việt Nam.

Cường độ làm việc hằng ngày của một chuyên gia thử nếm rượu vang như thế nào?

Một chuyên gia thử, nếm rượu vang, nếu làm việc ở nước ngoài, một ngày phải thử 50-70 loại rượu. Còn ở Việt Nam, do điều kiện tiếp cận sản phẩm khó khăn hơn nên mỗi chuyên gia có thể thử, nếm khoảng 10 sản phẩm/ngày. Đó là lý do mà trình độ của các chuyên gia Việt Nam khó theo kịp chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là nếu muốn nâng cao trình độ thì bắt buộc phải đi nước ngoài. Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhiều dòng vang nổi tiếng sẽ được đưa vào thị trường. Vì thế, nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi, cơ hội thăng tiến trong nghề sẽ không ít.

Nếu muốn vào nghề, người học cần đáp ứng những điều kiện gì?

Nghề thử, nếm rượu vang thực sự vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Đến nay vẫn chưa có một lớp đào tạo chính quy nào. Bản thân tôi cũng chỉ đi dạy những khóa ngắn hạn theo lời mời của một số trường du lịch, khách sạn. Nếu muốn vào nghề bạn cần có đủ những điều kiện sau:

Thứ nhất là lòng đam mê và tính kiên trì. Ai cũng nghĩ nghề này nhàn nhã nhưng sự thật thì không phải vậy. Nghề thử, nếm rượu vang không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về tri thức mà cả về tiền bạc. Vì không phải lúc nào cũng có sản phẩm sẵn cho mình thử. Đôi khi mình phải bỏ tiền túi ra mua mà rượu vang thì có nhiều loại không rẻ chút nào. Mặt khác, việc thử rồi phân tích sản phẩm cũng rất mệt mỏi, cần có kiến thức tốt, nếu không kiên trì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Thứ hai: Cần có năng khiếu. Việc thử, nếm rượu vang cần vận dụng rất nhiều giác quan. Ngoài 3 giác quan chính là thị giác, khứu giác và vị giác, đôi khi thính giác và xúc giác cũng rất quan trọng. Ngay từ đầu nếu nhận thấy không có cảm xúc với sản phẩm thì không thể theo nghề được.

Ngoài ra, nghề thử, nếm rượu vang gắn liền với ẩm thực và khách sạn. Việc nắm vững kỹ năng về nhà hàng, khách sạn sẽ là một điều kiện thuận lợi cho quá trình học.

Một khóa học về thử, nếm rượu vang ở nước ngoài kéo dài trong bao lâu?

Không có giới hạn đào tạo nào cho một chuyên gia thử, nếm rượu vang. Song, một lớp học ở nước ngoài thường kéo dài 1 năm, gồm 960 giờ học lý thuyết và 300 giờ thực hành. Thông thường, khi người học phân biệt được 500-600 loại rượu vang là đã hoàn thành khóa học và có cơ sở vững trong nghề. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia thử rượu vang trên thế giới, sau khi học phải hành nghề từ 3-5 năm mới có thể được nhiều người biết đến.

Vậy mức lương có hấp dẫn như nhiều người thường nói hay không?

Ở nước ngoài, mức lương của một chuyên gia thử nếm rượu vang chỉ thấp hơn lương của quản lý hoặc giám đốc nhà hàng, khách sạn. Còn ở Việt Nam, theo tôi được biết, mức lương cho một chuyên gia thử, nếm rượu vang người nước ngoài không dưới 1.500 USD/tháng, còn lương của một chuyên gia Việt Nam không dưới 600 USD.

Nghe anh nói thì thấy mức lương rất hấp dẫn nhưng chắc hẳn “không ngọt ngào nào không có đắng cay”?

Chắc chắn rồi, cái khắc nghiệt nhất của nghề là sự đánh giá của mọi người. Nếu có sai sót xảy ra người ta thường thất vọng và thiếu tin tưởng vào mình. Nghề này rất cần sự tinh tế, song chúng tôi cũng có những lúc ốm đau, những khi tâm lý bất ổn... Tất cả đều ảnh hưởng đến công việc. Chưa kể rượu vang cũng là những thực thể sống, có vui có buồn nên để đánh giá được thì cực kỳ khó khăn. Nếu một khóa có 100 người học thì nhiều nhất cũng chỉ 1/3 là theo nghề đến cùng.

Thử, nếm rượu vang có thể được xem là một ngành tương lai cho giới trẻ Việt Nam?

Tôi đã từng dịch cuốn “Thử, nếm rượu vang - Nghề của tương lai”, trong đó có những kiến thức cơ bản về nghề, đồng thời phân tích, nhận định đó là một nghề của tương lai. Đến nay, tôi vẫn tin chắc điều này. Văn hóa rượu vang cũng đang phát triển ở Việt Nam. Nhu cầu sử dụng rượu vang đang ngày một tăng. Các nhà hàng khách sạn lớn rất cần các chuyên gia thử, nếm rượu vang. Tôi tin họ sẵn sàng chào đón những chuyên gia người Việt được đào tạo chính quy.

Để nghề thử, nếm rượu vang phát triển ở Việt Nam cần những điều kiện gì?

Việc đầu tiên là các trường du lịch, khách sạn phải nhận thấy việc mở các lớp đào tạo chính quy cho nghề thử, nếm rượu vang là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn có thể mở lớp đào tạo tại chỗ cho nhân viên để phục vụ nhu cầu trước mắt. Thông qua những mối quan hệ có được, tôi cũng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức trên thế giới cho việc đào tạo nghề này ở Việt Nam.

Năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển Các sản phẩm Nông nghiệp của Pháp và Hiệp hội Thử - Nếm rượu vang Nhật, lần đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra cuộc thi thử, nếm rượu vang. Đây là bước đệm quan trọng để nghề này được quảng bá rộng rãi hơn.

Là chuyên gia thử, nếm rượu vang quốc tế hẳn hầm rượu của anh có rất nhiều loại rượu. Trong đó có rượu vang Việt Nam không?